Lót vải chờ cát đắp nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Đăng bởi: Nguyễn Quốc Thịnh vào lúc: 8:50 am - 25/05/2023

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành. Điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (nút giao nối vào quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối nối tuyến tránh TP Cà Mau. Công trình khởi công ngày 1/1, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2026.

Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, rộng 17 m, 4 làn, chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8 km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.

Tuyến đường qua địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã được giải tỏa xong đang chờ nguồn cát để xử lý nền.

Đoạn qua huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, khu vực xây cầu Cái Lớn.

Phần lớn dự án đi qua ruộng lúa, kênh rạch, sông ngòi - những nơi có địa chất yếu cần nhiều cát đắp nền. Theo Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu cát đắp nền cho toàn dự án cần hơn 18 triệu m3, trong đó nhu cầu trong năm 2023 là 9,1 triệu m3, nhưng đến nay lượng cát đáp ứng rất ít. Các địa phương mới có kế hoạch cung cấp cho dự án khoảng 3 triệu m3.

Dự án đi qua xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Khu vực này đã được đơn vị thi công lót bạt nhưng đang chờ cát đắp nền. Đại diện đơn vị thi công cho biết tùy theo địa chất ở khu vực, cao tốc sẽ được đào sâu 0,5-1 m xử lý nền đất yếu, sau đó công nhân trải lớp vải địa (bạt) để bơm đất cát làm nền đường. Khâu cuối cùng là rải đá dăm, làm móng đường và thảm bêtông nhựa.

"Với địa chất yếu như các tỉnh miền Tây, có khi dự án phải đào sâu, xử lý lún tới 2-3 m nên cần nhiều cát đắp", đại diện đơn vị thi công nói.

Dự án đi qua xã Vị Thắng, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang, đã được đào sâu gần 2 m và lót bạt, song chưa có cát xử lý nền.

Tương tự, đoạn ở địa bàn xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, thuộc dự án từ Hậu Giang - Cà Mau đã đào khuôn đường, lắp vải địa kỹ thuật nhiều ngày nhưng thiếu cát đắp nền.

Đào khuôn đường cao tốc đoạn qua xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Hơn một mét đất trên cùng của tuyến sẽ được đào sau đó xử lý nền để đổ cát lên.

Thiếu vật liệu cát đã ảnh hưởng tiến độ chung cao tốc. Ở dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau đến nay đã bàn giao gần 75/90 km, nhưng mới đạt tiến độ 2,9%, chậm 1,5% so với kế hoạch. Tuyến Cần Thơ - Hậu Giang hoàn thành 2,5%, chậm 3,3% so với dự tính. Khan hiếm nguồn cát khiến toàn dự án khó đạt kế hoạch 35% trong năm 2023 như đề ra.

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết, tiến độ toàn dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm do nguyên nhân khách quan là nguồn vật liệu cát khan hiếm, mặt bằng bàn giao không liên tục... Tuy nhiên, lý do chủ quan là các nhà thầu chưa tích cực huy động thiết bị, vật tư triển khai thi công.

Đoạn qua quận Cái Răng, TP Cần Thơ, đang được đẩy ưu tiên cát đất nền. Trên tuyến chính đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã đào hơn 23 km khuôn đường; trong đó, đắp cát nền hơn 7,6 km. Trong khi đường công vụ đã đào khuôn hơn 11,5 km và đắp nền trên 3,6 km.

Khai thác đất đắp cát nền tuyến cao tốc tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Kiểm tra công trường hôm 16/5, thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm (đội mũ xanh) cho hay Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản trình Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có nguồn cát, như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bố trí mỏ cát phục vụ thi công dự án.

Trước đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) có văn bản đề nghị Cục Khoáng sản tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ trước mắt phân bổ gần 10 triệu m3 cát từ ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau để đảm bảo tiến độ thi công.

Dự án cũng được đồng ý dùng nguồn cát biển. Tuy nhiên mới đây Bộ Giao thông Vận tải cho hay việc thí điểm cát biển cuối năm nay mới có kết quả. Vì vậy từ giờ đến năm 2024 nguồn vật liệu san lấp cho dự án chủ yếu là cát sông.